1. Kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của học sinh tại TP. Hồ Chí Minh

Theo báo tuoitre.vn, kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của học sinh lớp 9, 11 tại TP.HCM gây bất ngờ vì kỹ năng nghe, đọc của phần lớn học sinh lớp 9, 11 còn rất hạn chế.

Học sinh lớp 9 được khảo sát năng lực tiếng Anh bằng đề thi PET.

Ở kỹ năng nghe, hơn 75% học sinh lớp 9 đạt trình độ Pre A1 hoặc A1. Hơn 20% học sinh đạt trình độ A2 đến B1 và gần 5% đạt trình độ B2.
Ở kỹ năng đọc, hơn 75% học sinh đạt ở trình độ Pre A1 và A1. Dưới 25% học sinh có kỹ năng đọc đạt trình độ A2, B1 và không có học sinh nào đạt trình độ đọc của B2.

Học sinh lớp 11 khảo sát năng lực tiếng Anh nghe và đọc bằng đề FCE.

Gần 80% học sinh lớp 11 chỉ đạt trình độ đọc A1, A2 và dưới 5% học sinh đạt trình độ đọc B2 và không có học sinh nào trình độ đọc C1.
Kỹ năng nghe tiếng Anh của học sinh lớp 11 cao hơn kỹ năng đọc. Trong đó, hơn 70% học sinh lớp 11 chỉ đạt trình độ nghe A1, A2; chưa đến 20% học sinh khối 11 học sinh đạt tiêu chuẩn B2 đến C1.

Thực trạng này cũng phản ánh thực tế, trình độ nghe tiếng Anh cơ bản của học sinh lớp 11 tại TP.HCM để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày còn hạn chế. Trong đó trình độ tiếng Anh để giao tiếp thông thường phải đạt B1 và tự tin phải là B2.

Vậy còn với các học sinh và phụ huynh tại Hà Nội, bạn đã tự tin vào trình độ tiếng Anh của con? 

2. 45 Đại học ở Hà Nội công bố điểm xét tuyển bằng IELTS

Theo VnExpress, 45 trường đại học ở Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh, trong đó dành chỉ tiêu xét thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chủ yếu là IELTS.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trường đưa ra yêu cầu với chứng chỉ IELTS thấp nhất. Ở phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh cần có chứng chỉ IELTS 4.0. Còn ở phương thức xét kết hợp chứng chỉ và học bạ, nhà trường yêu cầu IELTS tối thiểu 5.0.

Các trường khối công an xét tuyển thí sinh có IELTS tối thiểu 7.5. Những thí sinh này còn cần có học lực ba năm THPT loại giỏi, điểm trung bình môn ngoại ngữ đạt từ 8,5 trở lên.

Đại học Ngoại thương yêu cầu IELTS 6.5 kết hợp với các điều kiện về học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường còn lại chủ yếu chấp nhận IELTS tối thiểu trong khoảng 5.0-6.0.

Nhiều chuyên gia cho rằng IELTS và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác đánh giá toàn diện thí sinh ở kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, thay vì chỉ kiểm tra kỹ năng đọc và viết như đề thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, kết quả bài thi này khi được xét cùng một số tiêu chí khác, phù hợp để tuyển sinh.

3. 3 dạng bài mới trong đề minh hoạt tiếng Anh thi Tốt nghiệp THPT 2025

Theo báo VnExpress, đề minh họa năm 2025 môn tiếng Anh có ba dạng bài mới, chú trọng kiến thức từ vựng/ngữ pháp trong thực tiễn và năng lực viết văn bản.
Dựa trên phân tích đề minh họa, các báo cáo viên nhận thấy một số điểm mới liên quan đến kiến thức, kỹ năng, thể hiện qua ba dạng bài.

Về kiến thức, ngoài dạng bài điền từ vào đoạn văn truyền thống, đề thi minh họa năm 2025 thêm bài điền từ vào dạng văn bản có tính thực tiễn như thông báo, quảng cáo. Số lượng câu hỏi cũng tăng lên.

Về kỹ năng, đề minh họa năm 2025 chú trọng nhiều về năng lực viết văn bản. Trước đây, thí sinh được yêu cầu viết câu gián tiếp qua các dạng bài chọn câu có nghĩa tương đương hay kết hợp câu. Còn ở đề thi năm 2025, thí sinh được đánh giá qua hai dạng mới: sắp xếp câu thành đoạn và điền câu/vế câu vào văn bản.

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Số môn thi giảm, Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn. Thời gian bài thi môn này từ 60 phút còn 50 phút, số câu hỏi còn 40, thay vì 50 như hiện nay.

4. Thiếu nhi Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước bằng tiếng Anh với bạn bè Quốc tế

Theo Báo Điện tử Chính phủ, sau hơn 4 tháng triển khai, sân chơi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới” đã nhận được gần 15.000 bài tham gia với gần 20.000 em thiếu nhi đăng ký tham gia vòng trực tuyến, Ban Tổ chức đã chọn được 100 đội xuất sắc toàn quốc tham gia vòng bán kết.

Sân chơi nhằm cụ thể hóa Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và Đề án “Nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022-2030” của Thủ tướng Chính phủ; tạo điều kiện để thiếu nhi chủ động nâng cao hiểu biết xã hội, tìm hiểu nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương, đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Sân chơi cũng hướng tới tăng cường sự phối hợp của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh với gia đình, nhà trường và xã hội nhằm hỗ trợ, đồng hành, tạo môi trường để thiếu nhi thi đua học tập, hoàn thiện bản thân, trau dồi kỹ năng sử dụng tiếng Anh thông qua các hoạt động học tập, vui chơi giải trí.

5. Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Theo VnExpress, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Cụ thể, các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới; tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ một người có thể nói, sử dụng nhưng không phải là ngôn ngữ đầu tiên mà họ học một cách tự nhiên khi còn nhỏ.